Thời quân chủ độc lập tự chủ Lãnh_thổ_Việt_Nam_qua_từng_thời_kỳ

Lãnh thổ thời Khúc Thừa Dụ giành được tự chủ cho Tĩnh Hải quân đến những năm đầu thời nhà Ngô.

Sau khi Khúc Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ của Tĩnh Hải quân năm 905, Việt Nam bắt đầu thời kỳ độc lập tự chủ. lãnh thổ Tĩnh Hải quân gồm 12 châu là:

Việt Nam chính thức vào kỷ nguyên độc lập từ khi Ngô Quyền đánh bại nhà Nam Hán vào năm 938. Tuy nhiên lãnh thổ bị co lại chỉ còn 8 châu: Giao, Lục, Phúc Lộc, Phong, Trường, Ái, Hoan, Diễn. 4 châu bị nhà Nam Hán chiếm là Thang, Chi, Vũ Nga và Vũ An.

Năm 968, Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu trở lại sau hơn 400 năm, là Đại Cồ Việt, sau đó Lý Thánh Tông đổi tên nước là Đại Việt năm 1054.

Lãnh thổ Việt Nam thời kỳ đầu độc lập bao gồm khu vực Bắc Bộ và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, tương đương với lãnh thổ truyền thuyết nước Văn Lang của các vua Hùng

Sáp nhập Tây-Bắc

Lãnh thổ Đại Việt khoảng năm 1100 dưới thời nhà Lý

Năm 1014-1015, tướng nước Đại LýĐoàn Kính Chí đem quân vào chiếm đóng châu Vị Long (Vị Xuyên Hà Giang và Tụ Long) và châu Đô Kim, Bình Nguyên (nay là Bắc Quang, Hàm Yên thuộc Tuyên Quang), vua Lý Thái Tổ sai con là Dực Thánh Vương đi đánh dẹp, quân Đại Lý đại bại, nhân cơ hội đó nhà Lý sáp nhập luôn khu vực ngày nay là Hà Giang vào Đại Việt.[2]

Năm 1158-1159, nhân khi nước Đại Lý suy yếu, vua Lý Anh TôngTô Hiến Thành đã tiến hành thu phục vùng đất của các tù trưởng dân tộc thiểu số người Thái (châu Văn Bàn, châu Thủy Vĩ) ở bắc Yên Bái, nam Lào Cai vào lãnh thổ Đại Việt. Đại Việt sử ký tiền biên viếtː tháng 5 năm Mậu Dần (1158), Ngưu Hống và Ai Lao làm phản. trước đây Ngưu Hống từng dâng voi, hươu,... đến bây giờ làm phản, vua sai Tô Hiến Thành đi đánh...[3]

Năm 1280, Trần Nhân Tông sai Trần Nhật Duật coi giữ đạo Đà Giang, đi thu phục Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang (vùng sông Đà thuộc khoảng các huyện Đà BắcCao Phong tỉnh Hòa Bình ngày nay).

Năm 1294, thượng hoàng Trần Nhân Tông, cùng Phạm Ngũ Lão, đi đánh bại Ai Lao thu nạp đất đai. Năm 1297, Trần Anh Tông sai Trần Nhật Duật đánh A Lộc (Ai Lao), Trần Quốc Tảng đánh Sầm Tử, Phạm Ngũ Lão đánh tan Ai Lao thu lại đất cũ ở sông Chàng Long. Năm 1301, Phạm Ngũ Lão đánh Ai Lao ở Mường Mai (Châu Mai, nay là đất Mai Châu)[4]. Các vùng đất thu nạp được thời kỳ này nhà Trần đặt làm huyện Mông đạo Đà Giang, đến đời thuộc Minh là đất hai huyện Mông và Tư Mang, sang thời nhà Lê sơ là toàn bộ châu Mộc (Mộc Châu (nay là Mộc Châu, Vân Hồ), Đà Bắc, Mã Nam), và châu Mai phủ Gia Hưng.

Năm 1329, thượng hoàng Trần Minh Tông đi đánh mán Ngưu Hống ở Mang Việt đạo Đà Giang[5] thu nạp đất châu Yên (Mang Việt)[6], Phù Hoa, Mường Mỗi (châu Thuận) là các vùng đất nay là các huyện Yên Châu, Phù Yên, Thuận Châu, Tuần Giáo, Sơn La, Mai Sơn tỉnh Sơn La.

Theo Minh sử, năm 1405, Đèo Cát Hãn dâng sớ lên triều đình nhà Minh tố cáo nhà Hồ đánh chiếm 7 trại Mãnh Man thuộc châu Ninh Viễn dưới quyền Đèo Cát Hãn, vốn thuộc phủ Lâm An của tỉnh Vân Nam, giết con rể của ông, bắt con gái của ông để khống chế.[7] Trong các nguyên do mà nhà Minh viện ra khi sang đánh nhà Hồ có lý do này. Nhà Hồ lúc đó yếu thế phải trả lại Đèo Cát Hãn các trại này. Châu Ninh Viễn đến thời Lê sơ gọi là Mường Lễ.

Đến năm 1431, Lê Lợi thu phụ Đèo Cát Hãn, có thêm châu Phục Lễ (Mường Lễ), vùng thượng lưu sông Đà do Đèo Cát Hãn cai quản, từng là châu Ninh Viễn của Vân Nam, nhập về. Mường Lễ sau đổi Thành Phục Lễ phủ An Tây gồmː đất Mường Lễ (châu Lai), Tuy Phụ (Mường Tè), Hoàng Nham (Mường Toong, Mường Nhé), Chiêu Tấn (Phong Thổ), Lễ Tuyền (Mường Boum), Hợp Phì (Xiềng My, nay là Giả Mễ huyện Kim Bình, Vân Nam), Khiêm Châu (Mường Tinh), Quảng Lăng (Mường La, nay là Mường Lạp huyện Kim Bình, Vân Nam), Tung Lăng (Phù Phang), Luân Châu (Mường Báng), Quỳnh Nhai (Mường Chăn).

Năm 1467 Lê Thánh Tông thu nạp vùng sách Câu Lộng (Mã Giang) từ Ai Lao (nay là khoảng huyện Sông Mã tỉnh Sơn La).

Bản đồ Đại Việt đời Lê Thánh Tông, gồm cả Bồn Man và lãnh thổ chiếm được của Chiêm Thành năm 1471. Phần màu đỏ nhạt là lãnh thổ tạm chiếm năm 1478-1480 trong chiến dịch Lão Qua. Phần màu xanh nhạt là 3 vương quốc còn lại của Chiêm Thành.

Năm 1478, vua Lê Thánh Tông, sau khi thu phục tiểu vương quốc Bồn Man đã sáp nhập vùng phía tây Sơn La (thượng lưu sông Mã, nay là khoảng các huyện Sốp Cộp, Sông Mã tỉnh Sơn La), các huyện phía tây Thanh Hóa, Nghệ An và tỉnh Hủa Phăn của Lào ngày nay vào đất Đại Việt.

Năm 1768–1769, quân nhà Lê-Trịnh, tiến đánh Hoàng Công Chất cát cứ Mường Thanh của Lào Lung, thu nạp đất này lập ra châu Ninh Biên (Điện Biên Phủ) thuộc trấn Hưng Hóa[8].

Quá trình Nam tiến

Bài chi tiết: Nam tiến

Các triều đại quân chủ của Việt Nam liên tục mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam.

Năm 1069, Lý Thánh Tông nam chinh đánh Chiêm Thành và bắt được vua Chiêm là Chế Củ (Jaya Rudravarman), đem về Thăng Long. Để được tha vua Chiêm đã cắt vùng đất phía bắc Chiêm Thành gồm ba châu Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý cho Đại Việt. Những châu ấy nay ở địa hạt các huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình và huyện Bến Hải tỉnh Quảng Trị.

Năm 1306 vua Chế Mân (Jaya Simhavarman) của Chiêm Thành cắt đất hai châu Ô cho vua Trần Anh Tông để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân của Đại Việt, vùng đất mà ngày nay là nam Quảng TrịThừa Thiên-Huế. Biên giới phía nam của Đại Việt lúc này tiến đến đèo Hải Vân.

Năm 1471 vua Lê Thánh Tông đưa 20 vạn quân tiến đánh vào kinh đô Vijaya (Bình Định) của Chiêm Thành, kinh đô Vijaya bị thất thủ. Lê Thánh Tông đã sáp nhập vùng đất bắc Chiêm Thành vào Đại Việt (ngày nay là 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).

Phần đất còn lại của Chiêm Thành vua Lê Thánh Tông đã chia làm 3 vương quốc và giao cho tướng, hoàng thân còn lại của Chiêm Thành trấn giữ và có nghĩa vụ triều cống Đại Việt. Đến năm 1471 lãnh thổ phía nam của Đại Việt tiến đến đèo Cù Mông (ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên ngày nay).

Suốt 5 thế kỷ chiến tranh với Đại Việt kể từ khi nước này giành được độc lập (năm 938), Champa không ngừng mất dần lãnh thổ. Sự thất bại trong việc chống cự cuộc tấn công năm 1471 của Đại Việt đánh dấu Champa không còn có thể gượng dậy đe dọa Đại Việt những thời kỳ sau đó. Chúa Nguyễn về sau thừa hưởng thành quả này, dễ dàng trong các cuộc mở rộng tiếp theo mà không có nhiều lực cản.

Thời kỳ Trịnh, Nguyễn phân tranh, do áp lực tấn công của các chúa TrịnhĐàng Ngoài và nhu cầu đất đai, các chúa Nguyễn đã tiến hành những đợt nam tiến, mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phương Nam chưa từng thấy.

Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng tiến chiếm vùng đất của Chiêm Thành mà ngày nay là Phú Yên

Năm 1623, chúa Nguyễn Phúc Nguyên được vua Chân LạpChey Chettha II chấp thuận nhượng vùng đất Mô Xoài[9], lập 2 thương điểm (đồn thu thuế) là Kas Krobei[10]Prei Nokor[11] để tiến hành thu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân Việt phát triển.

Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần tiến chiếm vùng Khánh Hòa của Chiêm Thành. Lấy sông Phan Rang làm ranh giới. Vùng phía Đông sông đến địa đầu Phú Yên (vùng Kauthara) đặt dinh Thái Khang. Phần phía Tây sông (vùng Panduranga) vẫn thuộc về Chăm Pa.

Năm 1693, thời chúa Nguyễn Phúc Chu, tướng Nguyễn Hữu Cảnh tiến chiếm và chính thức sáp nhập phần còn lại của vương quốc Chiêm Thành lập trấn Thuận Thành; là Bình Thuận, Ninh Thuận ngày nay, tuy nhiên chính quyền Đàng Trong vẫn dành cho người Chăm chế độ tự trị ở đây cho đến năm 1832. Như vậy, phạm vi đất đai Champa lịch sử tương ứng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ hiện nay, rộng 80.000 - 90.000 km2 (30.000 - 34.000 mile2) được tích hợp vào lãnh thổ của người Việt.

Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên (lỵ sở nay là thôn Phước Lư), lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (quận sở nay gần Tân Đồn). Chính thức đưa khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ của Chân Lạp vào lãnh thổ Đàng Trong.

Năm 1708, Mạc Cửu (thương nhân người Hoa) người khai phá vùng đất Hà Tiên, Kiên Giang (của Chân Lạp) xin nội thuộc chúa Nguyễn, chúa Nguyễn phong chức Tổng binh cai quản

Từ năm 1736-1739, Mạc Thiên Tứ (con Mạc Cửu) khai phá thêm vùng đất Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ (của Chân Lạp) đưa vào lãnh thổ Đàng Trong.

Năm 1732, chúa Nguyễn Phúc Chú nhận đất dâng từ vua Chân Lạp là Satha II (Nặc Tha), hai vùng đất là Peam Mesar (Mỹ Tho) và Longhôr (Vĩnh Long).

Năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên (Ang Snguon) sau khi bị chúa Nguyễn Phúc Khoát đánh bại đã dâng vùng đất Tân An, Gò Công để cầu hòa.

Năm 1757, vua Nặc Nguyên chết, chú là Nặc Nhuận (Neac Ang Nhuan) dâng 2 xứ Preah TrapeangBasac (vùng đất Trà VinhSóc Trăng) để được chúa Nguyễn Phúc Khoát phong làm vua Chân Lạp. Sau khi Nặc Nhuận chết, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã hỗ trợ Nặc Tôn (Outey II) lên ngôi và bảo vệ trước sự tấn công của Xiêm La, vua Nặc Tôn đã dâng vùng đất ngày nay là Châu Đốc, Sa Đéc cho chúa Nguyễn.

Riêng Mạc Thiên Tứ, Nặc Tôn dâng năm phủ Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài MạtLình Quỳnh để đền ơn giúp đỡ. Mạc Thiên Tứ đem hết đất ấy dâng cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn cho sảt nhập vào Hà Tiên trấn, giao cho họ Mạc cai quản.

Khi đặt chân vào vùng Nam Bộ, Chúa Nguyễn không phải đối mặt với đế chế Khmer hùng mạnh (sụp đổ vào năm 1432) mà đối mặt với các nhà nước rời rạc của người Khmer, những vương quốc nhỏ, yếu ớt, chia rẽ, thậm chí nhiều lần hiến đất để các Chúa Nguyễn dùng quân đội hỗ trợ các tranh chấp giữa họ với nhau.

Chúa Nguyễn cuối cùng tích hợp được vùng đất mà ngày nay gọi là Đông Nam Bộ rộng khoảng 23.600 km2 (9.100 mile2) và tích hợp vùng đất màu mỡ nhất của khu vực châu thổ Mê Kông nằm ở hạ lưu rộng 40.000 km2 (15.400 mile2) và nằm ở vị trí địa lý chiến lược nhất, Campuchia không còn đường ra biển qua cửa sông Mê Kông.

Các hướng mở rộng khác

Cùng với việc mở rộng lãnh thổ trên đất liền, chính quyền Đàng Trong lần lượt đưa người ra khai thác và kiểm soát các hòn đảo lớn và quần đảo trên biển Đôngvịnh Thái Lan. Quần đảo Hoàng Sa được khai thác và kiểm soát từ đầu thế kỷ 17, Côn Đảo từ năm 1704, Phú Quốc từ năm 1708 và quần đảo Trường Sa từ năm 1711.[12]

Năm 1816, vua Gia Long chính thức cho cắm cờ, xác lập chủ quyền, giao đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải thay mặt quản lý hai quần đảo Hoàng SaTrường Sa. Trước đó khoảng 200 năm các chúa Nguyễn cũng đã lập đội Hoàng Sa hằng năm đi ra các đảo tìm kiếm sản vật.

Năm 1830, vua Minh Mạng sáp nhập vùng Tây Nguyên, rộng khoảng 60.000 km2 (~23.000 mile2) vào lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên các bộ tộc người Thượng vẫn được quyền tự trị của mình cho tới năm 1898 khi người Pháp trực tiếp tổ chức cai trị ở đây.

Lãnh thổ Việt Nam dưới thời Minh Mạng được xem là rộng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, diện tích ước tính 570.000 km2 (~ 220.000 mile2) bao phủ gần hết bán đảo Đông Dương dưới những mức độ và tính chất chính trị khác nhau (nhiều vùng xa xôi phía tây trên đất Lào và Campuchia chỉ triều cống).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lãnh_thổ_Việt_Nam_qua_từng_thời_kỳ http://www.law.fsu.edu/library/collection/Limitsin... http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k1261881t/f3.... http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5774279x/f22... http://namkyluctinh.org/a-lichsu/hongphuong-vietna... http://bienphongvietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/tu-... http://www.bienphongvietnam.vn/lich-su-van-hoa/dll... http://www.bienphongvietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi... http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/Nuo... http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=714 http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/Hoithao/VNHOC...